Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

Lãnh đạo hơn 30 ngân hàng khu vực họp tại Việt Nam


Lãnh đạo hơn 30 ngân hàng khu vực họp tại Việt Nam


Trong hai ngày (21 – 22/5/2014), hội nghị thường niên các ngân hàng tiết kiệm khu vực châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 20 sẽ diễn ra tại Hà Nội.


Đây là lần đầu tiên hội nghị này được tổ chức tại Việt Nam, với sự tham dự của hơn 30 ngân hàng, các tổ chức tài chính đến từ trên 20 quốc gia đang hoạt động tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và Hiệp hội Ngân hàng Tiết kiệm và Bán lẻ Thế giới (WSBI) đồng tổ chức hội nghị này.




Diễn đàn WSBI tháng 11/2012 tại Brussels (Bỉ)


Hội nghị năm nay là điểm hẹn của các thành viên trong khu vực tham gia thảo luận đa dạng các vấn đề đang nhận được sự quan tâm chung của khu vực. Với chủ đề “Biến những thách thức tiếp cận tài chính thành cơ hội kinh doanh”, hội nghị dành nhiều thời gian để thảo luận về các bước phát triển mới của thị trường bán lẻ ngân hàng, nhân tố khiến ngân hàng phải đổi mới, dịch vụ ngân hàng di động cũng như các cơ hội hợp tác quốc tế về phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ…


Trong hội nghị diễn ra tại Bangkok (Thái Lan) cuối năm 2013, các lãnh đạo WSBI đã bàn bạc và lựa chọn tổ chức hội nghị thường niên lần thứ 20 của khối khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Việt Nam. Theo WSBI, Việt Nam ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong khu vực, là điểm đến của các doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng các hoạt động kinh doanh cũng như tham gia thúc đẩy thực hiện lộ trình xây dựng AEC (cộng đồng kinh tế các nước ASEAN).


Đây cũng là cơ hội cho các thành viên của WSBI tìm hiểu và phát triển các hoạt động kinh doanh xuyên quốc gia.


WSBI là tiếng nói toàn cầu của các ngân hàng bán lẻ và tiết kiệm trên thế giới, đại diện cho 109 định chế thành viên từ 86 quốc gia. Thành viên của hiệp hội là các định chế tài chính trong khu vực bán lẻ, cùng chú trọng tới các sáng kiến về tiếp cận tài chính và đề cao trách nhiệm “gắn xã hội trong kinh doanh”.


Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, hiệp hội có 22 thành viên đến từ 14 quốc gia, trong đó có 2 thành viên tại Việt Nam gồm LienVietPostBank và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).


Nhật Minh


vneconomy




Lãnh đạo hơn 30 ngân hàng khu vực họp tại Việt Nam

Truy tố 11 bị can lừa 570 tỉ đồng của 9 ngân hàng


Truy tố 11 bị can lừa 570 tỉ đồng của 9 ngân hàng OCB, LPB, EIB, VIBank, DongABank, SeABank, MSB, HDBank


Cáo trạng của VKSND Tối cao xác định Phạm Văn Thụ (Tổng giám đốc công ty TNHH TM công nghiệp Thái Sơn) cùng 6 đồng phạm đã có hành vi lừa đảo. Nhóm 4 lãnh đạo ngân hàng có liên quan cũng bị truy tố.


VKSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng vụ án “Lừa đảo chiếm đoat tài sản; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Công nghiệp Thái Sơn (Hải Phòng) và các tổ chức tín dụng liên quan, truy tố 11 bị can về các tội danh trên.


Theo cáo trạng, 9 ngân hàng đã bị lừa đảo tổng số tiền gần 570 tỉ đồng.


Trong đó, các bị can Phạm Văn Thụ (nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm Tổng giám đốc công ty TNHH thương mại công nghiệp Thái Sơn), Phạm Hải Thanh (nguyên giám đốc công ty TNHH Thép Minh Thanh, TGĐ công ty Thái Sơn), Nguyễn Thị Thanh Huyền (nguyên giám đốc công ty TNHH Thiên Tân Phú) cùng 4 bị can là lãnh đạo các công ty tư nhân khác bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.


Đối với nhóm bị can thuộc các ngân hàng: Bị can Lê Quý Hiển (nguyên Giám đốc HDBank Chi nhánh Thăng Long), Phan Hoàng Giang (Phó phòng quản lý hỗ trợ tín dụng HDBank Thăng Long) bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.


Các bị can Trương Quang Đông và Phan Xuân Hoà (nguyên Trưởng phòng và nhân viên tín dụng Phòng khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng Đông Á, Chi nhánh quận 5, TP Hồ Chí Minh) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.


Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, năm 1995, ông Phạm Văn Thụ thành lập công ty Thái Sơn (cho đến khi bị bắt đã thay đổi đăng ký của công ty 22 lần). Vốn điều lệ của công ty này dao động qua các lần thay đổi Giấy phép kinh doanh từ 500 triệu đến 600 tỉ đồng. Ngoài công ty Thái Sơn, ông Thụ còn thành lập 11 công ty khác, giao cho vợ con, em, cháu hoặc người thân làm giám đốc để ông Thụ trực tiếp điều hành.


Bản thân công ty Thái Sơn đã nhiều năm kinh doanh có lãi, từng được vinh danh “Doanh nghiệp tiêu biểu”. Tuy nhiên từ tháng 8-2008, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, giá sắt thép trên thị trường tụt giảm nên công ty thua lỗ. Bên cạnh đó việc đầu tư tiền vào nhiều dự án dang dở khiến công ty phải bán sắt thép đã thế chấp cho ngân hàng với giá thấp để trả nợ gốc và lãi.


Đến cuối năm 2010, công ty không còn khả năng thanh toán nợ với ngân hàng nên ông Thụ đã chỉ đạo lập hồ sơ mua bán sắt thép khống giữa các công ty nhằm làm hồ sơ vay tiền ngân hàng.


Cáo trạng nêu rõ tổng dư nợ gốc của nhóm doanh nghiệp của ông Thụ tại 14 tổ chức tín dụng là hơn 1.128 tỉ đồng, trong đó có hơn 509 tỉ đồng vay của 9 tổ chức tín dụng sử dụng hồ sơ mua bán sắt thép khống và hơn 17.500 tấn sắt thép được sử dụng làm tài sản đảm bảo cùng lúc cho nhiều tổ chức tín dụng.


VKSND Tối cao xác định sau khi trừ số tài sản đảm bảo thì ông Thụ đã lừa đảo, chiếm đoạt của 9 tổ chức tín dụng gần 422 tỉ đồng gồm các ngân hàng OCB, LPB, Eximbank, VRB, VIB, DAB, SeaBank, MSB, HDBank.


Ngoài hành vi lừa đảo của bị can Thụ, cơ quan tố tụng cũng xác định bị can Nguyễn Thị Thanh Huyền cũng tham gia ký các hợp đồng mua bán khống hàng hoá để lập hồ sơ vay, chiếm đoạt 152 tỉ đồng của các ngân hàng Eximbank, SeaBank, VRB, HDBank. Sau khi trừ tài sản đảm bảo, bị can này đã chiếm đoạt gần 147 tỉ đồng.


Đối với các bị can tại HDBank Thăng Long, VKSND Tối cao xác định đã có hành vi ký duyệt cho công ty Thái Sơn vay 100 tỉ đồng theo 9 khế ước nhận nợ nhưng công ty này chưa đủ điều kiện chứng minh vốn tự có, cho vay không có đảm bảo gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Các bị can thuộc Ngân hàng Đông Á Chi nhánh quận 5 đã không tổ chức, theo dõi, giám sát việc vận chuyển hàng hóa về kho của công ty Thép Minh Thanh dẫn đến việc bị bán bớt tài sản, gây thất thoát 46 tỉ đồng.


M.Quang


tuổi trẻ




Truy tố 11 bị can lừa 570 tỉ đồng của 9 ngân hàng

Tín dụng đen lại tung hoành

Gần đây, tại Đồng Nai xuất hiện nhiều điểm cho vay theo hình thức tín chấp rất đáng ngờ. Thủ tục cho vay khá đơn giản, hộ khẩu tỉnh nào cũng có thể vay và mức cho vay tối đa là 200 triệu đồng/người. Tuy nhiên, lãi suất cho vay thuộc dạng “cắt cổ”.


1


Tín dụng đen lại tung hoành

Trên một số tuyến đường chính của TP.Biên Hòa, như: Nguyễn Ái Quốc, Đồng Khởi, Võ Thị Sáu, Phạm Văn Thuận… đều có những bảng quảng cáo lớn, nội dung cho vay không cần thế chấp, thủ tục nhanh gọn, kèm theo đó là tên, số điện thoại của nhân viên tư vấn để liên hệ nếu có nhu cầu. Trên đầu mỗi biển, nơi thì ghi “Quỹ hỗ trợ người lao động”, nơi chỉ ghi “Vay tín dụng tiêu dùng”…


* Núp bóng “hỗ trợ người lao động”


Trong vai một người đang cần vay tiền gấp, chúng tôi tìm đến một điểm quảng cáo cho vay vốn theo hình thức tín chấp trên đường Nguyễn Ái Quốc, gần ngã tư Tân Phong (TP. Biên Hòa). Cách nơi đặt biển quảng cáo lớn khoảng 10m, có một cặp nam nữ đặt bàn ngồi sẵn ven đường để khách có nhu cầu vay sẽ hướng dẫn làm thủ tục ngay. Nam thanh niên tự xưng là L.T.N., nhân viên tư vấn của Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) niềm nở tiếp chúng tôi và giới thiệu các gói vay tối đa 200 triệu đồng, thời gian cho vay từ 6-36 tháng. Lãi suất cho vay từ 2- 2,5%/tháng (tương đương 24-30%/năm) cao gấp 2 – 3 lần so với lãi vay tại các ngân hàng khác.


Nhân viên tên N. cho biết: “Chỉ cần lương 3 triệu đồng/tháng trở lên là có thể đăng ký vay vốn tín chấp từ VPBank và hộ khẩu tỉnh nào cũng được vay. Hồ sơ vay chỉ gồm chứng minh nhân dân, có hộ khẩu hoặc tạm trú, xác nhận lương 3 tháng gần nhất và hợp đồng lao động, tất cả đều là bản photo”. Cũng theo nhân viên này, nếu hồ sơ đầy đủ, chỉ sau 5 ngày là được giải ngân. Tương tự, chúng tôi liên hệ với một điểm quảng cáo “Vay tín chấp cá nhân hỗ trợ người lao động đang gặp khó khăn trong kinh tế” trên đường Nguyễn Ái Quốc, đoạn qua KP.6, phường Quang Vinh (TP. Biên Hòa). Tại đây, chúng tôi được nhân viên tự xưng tên L.T.H. tư vấn, ngoài hình thức cho vay như trên, điểm này còn linh hoạt hơn là cho vay theo hóa đơn tiền điện từ 300 ngàn đồng trở lên. Nhân viên này nói: “Quỹ này cho vay không cần thế chấp, không phải bảo lãnh, đang ở trọ cũng được vay. Lãi suất cho vay là 2%/tháng”. Khi chúng tôi hỏi nguồn tiền cho vay từ đâu, thì được cho hay, nguồn vay cũng từ VPBank. Liên hệ tiếp với điểm cho vay gần giao lộ Hà Huy Giáp – Võ Thị Sáu, chúng tôi được nhân viên tên Tâm cho biết: “Hồ sơ cho vay chỉ cần photo hộ khẩu (tỉnh nào cũng được), chứng minh nhân dân, hợp đồng lao động, sao kê 3 tháng lương gần nhất và 1 tấm hình 3×4. Khoảng 3-5 ngày, người làm hồ sơ có thể lấy được tiền. Lãi suất tùy vào mục đích vay, từ 2-2,47%”. * Đa dạng đối tượng vay Theo dõi tại những nơi đặt điểm quảng cáo cho vay tín chấp, một buổi sáng có đến 5-6 người khách đến để tư vấn làm thủ tục vay vốn. Đối tượng vay khá đa dạng, ngoài phần lớn  là nam công nhân, có không ít người ăn mặc khá bảnh bao và đi xe tay ga xịn. Anh N.V.M., ở trọ tại KP.4, phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) hiện đang làm công nhân tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2, kể: “Quê tôi ở tỉnh Cà Mau, không may cha bệnh nên đã vay tạm bạn bè gần 10 triệu đồng để về quê lo chữa trị cho cha. Vì thế, khi lên làm trở lại tôi phải vay tín chấp để trả bạn bè cho đúng hẹn”.


Anh N.C.S. ở phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) dù chạy xe SH nhưng cũng tìm đến điểm gần ngã tư Tân Phong hỏi vay tín chấp 30 triệu đồng. Anh này cho biết: “Bị bạn bè rủ rê nên đã cá độ bóng đá thua hết 30 triệu đồng, giờ vợ hỏi số tiền trên để làm ăn. Vì không muốn vợ biết rồi cằn nhằn nên tôi đành vay tín chấp khoảng 2 tháng để bù lại”…


* Khó xử lý


Chúng tôi tìm đến trụ sở VPBank trên đường Võ Thị Sáu thuộc phường Thống Nhất (TP. Biên Hòa) để xác minh xem tại đây có cho vay theo hình thức tín chấp với lãi suất lên đến gần 30%/năm như lời quảng cáo hay không. Ông Ngô Nhật Thanh, Giám đốc VPBank chi nhánh Đồng Nai, khẳng định: “VPBank chi nhánh Đồng Nai chưa ký bất kỳ một hợp đồng nào cho vay tín chấp với lãi suất cao như vậy. Chương trình cho vay tín chấp nói trên thuộc phòng tín dụng của hội sở, chỉ đặt văn phòng tại VPBank”. Ông Thanh cho biết thêm, ông đã nghe phản ánh nhiều và đã kiến nghị với VPBank Việt Nam có biện pháp xử lý bằng cách tách riêng bộ phận này ra thành công ty tín dụng riêng để không ảnh hưởng đến uy tín của VPBank chi nhánh Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khác.


Liên hệ với bộ phận cho vay theo hình thức tín chấp trên (được đặt chung nhiệm sở với VPBank chi nhánh Đồng Nai), tất cả nhân viên đều từ chối không trả lời, và cho hay nếu cần thông tin gì có thể liên hệ với trụ sở chính của VPBank đặt ở TP.Hồ Chí Minh. Liên lạc với trụ sở chính của VPBank tại TP.Hồ Chí Minh, chúng tôi được trả lời: muốn thông tin phải gửi văn bản lên, bên ngân hàng sẽ xem xét và “trả lời sau”.


Công Ty Cổ Phần Đa Thức


Địa chỉ: 04 Nguyễn Đình Chiểu, P. Đa Kao, Q. 1, TP.HCM


Hotline:       Hot line            (Mr Vũ)


EmailDichVuVayVon.Org@gmail.com –  Web:http://DichVuVayVon.Org


Facebook: www.Facebook.com/DaoHanNganHangHCM



Tín dụng đen lại tung hoành

Sự thật người phụ nữ Bầu Kiên cấm ai động đến


Sự thật người phụ nữ Bầu Kiên cấm ai động đến


Bầu Kiên đã từng tuyên bố, với bản thân ông thì có thể nói gì cũng được nhưng với vợ con thì ‘cấm’ động được động đến. Tuy nhiên, khi Bầu Kiên sa vào lao lý thì người vợ của ông cũng trở thành tâm điểm của sự chú ý. Bà Đặng Ngọc Lan được nhắc đến nhiều với tư cách người đàn bà quyền lực luôn đứng sau bầu Kiên.


Lần đầu tiên kể từ sau khi ông Kiên bị bắt, bà Đặng Ngọc Lan, vợ của bầu Kiên xuất hiện. Tham dự phiên tòa, trái ngược với hình ảnh người chồng đi dép tổ ong, mái tóc bạc, bà Lan vẫn mang vẻ đẹp đằm thắm của một người phụ nữ quyền quý. Bà Lan mặc chiếc áo sơ mi trắng, quần jeans được đưa đến tòa bằng chiếc xe khá sang trọng.


Bà là đại diện Công ty B&B do chính chồng mình lập nên. Dưới sự chỉ đạo của chồng, công ty này đã thực hiện các lệnh ủy thác cho Ngân hàng ACB mua bán vàng trạng thái, thu lãi hơn 100 tỷ đồng rồi chuyển toàn bộ lợi nhuận cho một công ty khác để không phải nộp thuế.


Trong cuộc đời của bầu Kiên, bà là người phụ nữ duy nhất xuất hiện bên cạnh ông và cũng có nhiều quyền lực.Bà Lan sinh năm 1972 và có 3 người con với bầu Kiên.



Vợ bầu Kiên tham dự phiên tòa


Người đàn bà quyền lực


Ở lĩnh vực kinh doanh, bà Lan hiện là thành viên Hội đồng quản trị, Phó ban Kiểm toán nội bộ của Ngân hàng Việt Nam thương tín (VietBank).


Theo giới thiệu của Vietbank, bà Lan có hơn 17 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, đã tham gia vào nhiều dự án phát triển và đầu tư quan trọng tại Ngân hàng Á Châu. Hiện nay, bà là Phó ban Kiểm toán nội bộ – Ngân hàng Á Châu, thành viên HĐQT Vietbank.


Năm 2007 với tổng giá trị tài sản là 677,7 tỷ đồng, bà đứng vị trí thứ 4 trong top 10 người phụ nữ giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Vị trí này được giữ vững thêm một năm nữa dẫu con số thống kê kia đã giảm xuống chỉ còn 615,658 tỷ.



Bà Lan có tên trong ban điều hành ngân hàng.


Cứ thế, dù có lúc nắm giữ đến cả nghìn tỉ (1.045,433 tỷ đồng/năm 2009) hay dao dộng quanh mức hơn 800 tỷ thì người phụ nữ ấy vẫn luôn có mặt ở top 6 người phụ nữ giàu nhất TTCK Việt Nam. Chỉ đến năm 2012, là lần đầu tiên, bà bị văng ra khỏi top 10, nhà bầu Kiên mất hơn 300 tỷ chỉ sau 2 ngày ông bầu tóc bạc này bị bắt.


Thay chồng quản lý đội bóng


Không giống như gia đình nhà bầu Hiển thường có thói quen cùng xuất hiện trên sân bóng những dịp cuối tuần, bà hạn hữu hơn ở bề nổi sự chia sẻ tình yêu chung với bầu Kiên – tình yêu bóng đá.


Bà Lan trong suốt chục năm làm bóng đá của bầu Kiên chưa bao giờ được coi là người có chung niềm đam mê với chồng. Lần đầu tiên, người ta thấy bà xuất hiện ở sân Pleiku, cùng ông Kiên tới xem trận bán kết của một giải bóng đá trẻ.



HIếm khi thấy bà xuất hiện trong các trận bóng của chồng.


Chuyện bầu Kiên bị bắt thực sự là một cú sốc rất mạnh giáng lên đầu các đội bóng, các thành viên trong ban lãnh đạo CLB bóng đá Hà Nội không biết giải quyết mọi chuyện ra sao, đành phải “cầu cứu” tới vợ của ông bầu tóc bạc.


Trong lúc “nguy kịch”, bà Lan thay chồng đứng ra trấn an đội bóng. Đích thân bà Lan tổ chức một cuộc họp với đại diện cầu thủ, HLV. Bà tuyên bố dù có xảy ra chuyện gì với bầu Kiên thì các đội bóng vẫn hoàn toàn yên tâm, gia đình bầu Kiên vẫn sẽ không bỏ bóng đá.


Lương, thưởng của các cầu thủ CLB bóng đá Hà Nội nhờ thế đã được thanh toán đầy đủ. Tuy nhiên, số phận của CLB Hà Nội, Trẻ Hà Nội cuối cùng cũng đã được định đoạt. Theo đó, hai đội bóng của ông bầu Nguyễn Đức Kiên sẽ không đăng ký tham dự V-League và hạng Nhất 2013. Toàn bộ cầu thủ, ban huấn luyện của hai đội bóng này đã được giải phóng hợp đồng…


Thoát vòng lao lý?


Liên quan tới vụ án của chồng, bà Lan vốn là Tổng giám đốc Công ty B&B – nơi mà ông Kiên đã dùng để thực hiện một loạt các hoạt động kinh doanh trái pháp luật của mình.


Năm 2008, công ty B&B được thành lập với ngành nghề kinh doanh theo giấy phép là xây dựng dân dụng công nghiệp, nhà ở, kinh doanh vàng bạc, đá quý và nghiên cứu thị trường với vốn điều lệ là 1.500 tỷ đồng. Bà Lan giữ chức vụ tổng giám đốc.



Hai vợ chồng thường xuyên đi xem ca nhạc.


Hành vi giúp ông Kiên trốn 25 tỉ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp tại công ty B&B của Đặng Ngọc Lan đã đủ yếu tố cấu thành tội Trốn thuế, quy định tại Điều 161 Bộ Luật hình sự, với vai trò đồng phạm giúp sức.


Tuy nhiên, trong thời điểm ký hợp đồng này bà Lan đang nghỉ chuẩn bị sinh con nhỏ, không biết và không tham gia gì vào việc chỉ đạo hoạt động kinh doanh của công ty. Cơ quan cảnh sát điều tra đã quyết định không xử lý hình sự đối với bà Lan.


Khánh Chi


vietnamnet




Sự thật người phụ nữ Bầu Kiên cấm ai động đến

Thứ Hai, 19 tháng 5, 2014

Kinh doanh ngân hàng đã hé sáng?


Kinh doanh ngân hàng đã hé sáng?


Ngành ngân hàng xuất hiện những tín hiệu khởi sắc so với năm trước về tăng trưởng lợi nhuận qua quý 1/2014.


Khởi sắc từ lợi nhuận!


Qua một năm 2013 đầy biến động, các ngân hàng đã phải đối diện với hàng loạt khó khăn dẫn đến giảm sút trong kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, đến quý 1/2014, nhiều nhà băng đã công bố lãi tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là tín hiệu đầu tiên khởi sắc cho ngành trong quá trình tái cơ cấu.


Ngân hàng BIDV (HOSE: BID) có mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 29% so với quý 1/2013 và đạt gần 1,950 tỷ đồng. Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (HNX: SHB) cũng có mức tăng trưởng ấn tượng 27% với lợi nhuận 277 tỷ đồng. Hai ông lớn còn lại Vietinbank (HOSE: CTG) và Vietcombank (HOSE: VCB) đạt lợi nhuận trước thuế quanh mức 1,500 tỷ đồng. Các nhà băng này đều thực hiện được 20-30% kế hoạch năm 2014 sau khi kết thúc quý đầu tiên.






Lợi nhuận sau thuế quý 1/2014 của các ngân hàng

ĐVT: tỷ đồng


Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, một số ngân hàng vẫn “ì ạch” trong việc tìm kiếm lợi nhuận với dấu hiệu kinh doanh giảm sút rõ rệt. Ngân hàng Quốc Dân – Tiền thân là Navibank (HNX: NVB) là ngân hàng đang trong quá trình tự tái cơ cấu, “bộ sậu” quản lý ngân hàng “thay máu” hoàn toàn. Kết quả quý 1/2014 của NVB sụt giảm đến 86% lợi nhuận trước thuế với vỏn vẹn 3 tỷ đồng. Tình hình của Ngân hàng Đông Á (DongABank) cũng khá đau đầu khi lãi sau thuế sụt giảm đến 60% xuống 404 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng đang để mở cho một thương vụ M&A trong thời gian tới.


Vận hạn của Ngân hàng Á Châu (HNX: ACB) không biết đến bao giờ mới kết thúc khi nhà băng này tiếp tục giảm lãi 19% xuống 318 tỷ đồng. Nguyên nhân giảm sút kết quả kinh doanh này đều ảnh hưởng từ việc giảm thu nhập lãi thuần trong kỳ.


ACB và DongABank đều thực hiện được 27% và 22% kế hoạch năm, riêng NVB mới đi được 3% chặng đường.






Bảng kết quả kinh doanh quý 1/2014 của một số ngân hàng

ĐVT: tỷ đồng


Cũng thuộc diện đang trong quá trình tái cơ cấu, Ngân hàng Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) chính thức ra đời từ tháng 10/2013 sau thương vụ hợp nhất PVFC và Westernbank, lãi trước và sau thuế trong quý 1/2014 của PVcomBank đạt lần lượt 39 tỷ và 43 tỷ đồng.


Nỗi đau vàng và ngoại hối đã qua


Bên cạnh hoạt động tín dụng, kinh doanh vàng và ngoại hối không còn là nỗi ám ảnh của các ngân hàng như năm trước khi hầu hết đều có lãi trong hoạt động này. Hoạt động chứng khoán kinh doanh cũng mang lại lợi nhuận cao hơn cùng kỳ năm trước nhưng mua bán chứng khoán đầu tư thua lỗ vẫn là “điểm đen” trong bức tranh toàn cảnh đã pha những gam sáng.


Gần đây, Ngân hàng Nhà nước mới công bố chỉ số lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân của hệ thống ngân hàng đến 31/03/2014 là 0.5% và 5.56%, đều tăng trưởng so với cuối năm 2013, trong đó khối Vietinbank và Vietcombank là 0.65% và 8.1%, còn khối ngân hàng TMCP còn lại là 0.34% và 3.91%.


“Đau đầu” tăng trưởng cho vay


Mặc dù tiền gửi, huy động của các nhà băng vẫn tăng trưởng đều đều nhưng vấn đề “bí” đầu ra ở hoạt động cho vay vẫn tiếp diễn.






Một số chỉ tiêu của ngân hàng từ 31/12/2013 đến 31/03/2014

ĐVT: tỷ đồng


Hoạt động cho vay sụt giảm mạnh nhất là PVcomBank, so với cuối năm trước thì cho vay khách hàng tại PVcomBank giảm gần 10% và dư nợ cho vay ở mức 37,634 tỷ đồng. ACB và DongABank không chỉ giảm lợi nhuận mà hoạt động cho vay cũng tăng trưởng âm.


Tỷ lệ cho vay so với vốn huy động của nhiều ngân hàng đạt từ 80%, trong đó BIDV, Vietinbank, Eximbank có tỷ lệ trên 100%. Riêng tỷ lệ này ở Ngân hàng TMCP Quân Đội (HOSE: MBB) thấp nhất trong các ngân hàng công bố ở mức 61%.


Còn theo tỷ lệ cấp tín dụng so với huy động của toàn hệ thống ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố đến cuối tháng 03/2014 là 83.64%, giảm nhẹ so với tỷ lệ cuối năm 2013 là 84.71%.


Tăng trưởng tín dụng giảm cũng là một trong những nguyên nhân chính kéo giảm tổng tài sản của các nhà băng. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước công bố tổng tài sản toàn bộ hệ thống ngân hàng tăng trưởng lần lượt đến 5,808,328 tỷ đồng (tỷ lệ 0.9%) nhưng số liệu từ các ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý 1/2014 trên cho thấy sự sụt giảm đáng kể. Trong đó ông lớn VCB đã mất gần 5% tổng tài sản, tài sản của EIB cũng ra đi gần 10%.


Nghịch lý nợ xấu vẫn tăng?


Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã tạo điều kiện giúp các ngân hàng giảm nợ xấu thông qua việc bán nợ cho VAMC và hoãn thi hành Thông tư 02, tỷ lệ tăng trưởng cho vay cũng không cao nhưng có vẻ như tình hình nợ xấu của các ngân hàng này lại tiếp tục gia tăng. Và ngưỡng 3% dường như là khá xa vời khi tỷ lệ nợ xấu của NVB và PVcomBank thậm chí đã vượt 5%.






Bảng nợ xấu ngân hàng đến 31/03/2014

ĐVT: tỷ đồng, %


Đáng lo ngại nhất vẫn là nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5), chỉ tính những ngân hàng đã công bố, con số này đã vượt trên 22,000 tỷ đồng. “Vô địch” nhóm có khả mất vốn là BIDV hơn 5,560 tỷ, VCB cũng chiếm gần 3,060 tỷ đồng.


Minh Hằng


công lý




Kinh doanh ngân hàng đã hé sáng?

Ngân hàng giảm vay mượn, gửi tiền nhau


Ngân hàng giảm vay mượn, gửi tiền nhau


So với cuối năm ngoái, nhiều ông lớn đã giảm hàng chục nghìn tỷ đồng tiền gửi và cho vay liên ngân hàng trong khi các nhà băng nhỏ cũng không mặn mà đi vay như trước.


Hết quý I, bảng cân đối tài sản của nhiều ngân hàng, dù là ông lớn, cũng bất ngờ ghi nhận tình trạng tài sản giảm, từ 3-5%. Ngoài việc quy mô cho vay bị thu hẹp do tín dụng kém, một trong những nguyên nhân khiến tổng tài sản vơi đi trên bảng cân đối còn do tài sản trên thị trường liên ngân hàng sụt giảm mạnh.


Thay đổi số dư tiền gửi, cho vay liên ngân hàng sau 3 tháng đầu 2014



Trừ BIDV, hàng loạt đơn vị đều giảm mạnh tài sản trên thị trường liên ngân hàng sau 3 tháng đầu năm.Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý I.


Ngoài Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tăng 22% số dư tiền gửi, cho vay trên thị trường 2, khoảng chục nhà băng khác đều giảm mạnh loại tài sản này sau 3 tháng đầu năm. Trong đó, một nửa các đơn vị đã công bố báo cáo tài chính có số dư giảm trên 30%. Xét về quy mô, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giảm mạnh nhất với gần 40.000 tỷ đồng tài sản trên thị trường liên ngân hàng. Trong khi đó, xét về giá trị tương đối, Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB) cũng giảm 62% quy mô hoạt động.


Ngân hàng nhỏ thì không cần vay trong khi các ông lớn cũng chẳng mặn mà vì lãi suất thấp. Ảnh: Anh Quân.


Không chỉ các ông lớn thờ ơ gửi tiền và cho vay, ngân hàng nhỏ cũng ngại đi vay hơn trước. Đơn cử như trường hợp của Ngân hàng Nam Việt (Navibank), cuối 2013 số dư đi vay các tổ chức tín dụng khác lên tới hơn 1.007 tỷ thì sau 3 tháng đầu 2013 giảm 84% xuống còn vỏn vẹn 165 tỷ đồng.


Lý giải về việc này, nhiều chuyên gia và giới ngân hàng cho rằng dư thừa vốn là nguyên nhân chính. Lãi suất huy động thời gian qua liên tục giảm nhưng lượng tiền gửi từ dân cư của hầu hết các ngân hàng vẫn tăng trưởng mạnh. Ngược lại, ở chiều cho vay, nhiều nơi còn ì ạch và chỉ một vài nhà băng tín dụng tăng trưởng được trên 2-3%.


Ông Lê Quang Trung – Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối nguồn vốn và ngoại hối của Ngân hàng Quốc tế (VIB) cho biết các thành viên không có nhiều động lực khi tham gia vay mượn. “Trước, hoạt động trên liên ngân hàng rất mạnh vì tỷ lệ LDR (tỷ lệ cho vay trên vốn huy động từ thị trường dân cư) bị vống lên hơn 100%, ngân hàng phải đi vay ở thị trường 2 để bù đắp. Nay LDR rất thấp, ngân hàng không cần đi vay thêm do vẫn dư thừa vốn”, ông Trung nói.


Thực tế, tỷ lệ LDR của các đơn vị cổ phần theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước hiện chỉ hơn 70% – thấp hơn rất nhiều so với trước. Như vậy, huy động từ dân cư 100 đồng, ngân hàng chỉ cần hơn 70 đồng để cho vay .


Lãi suất giảm cũng khiến các ngân hàng không còn hào hứng giao dịch trên thị trường 2 như trước. Lãi suất qua đêm và các kỳ ngắn ngày đều giảm mạnh, chỉ còn vài ba phần trăm. Ông Lê Trung Thành – Phó chủ nhiệm thường trực khoa Tài chính Ngân hàng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, lãi suất này thể hiện cầu thấp trong khi nguồn cung lại dồi dào. “Báo cáo tài chính nào cũng cho thấy thanh khoản của các ngân hàng tốt hơn hẳn, khác với trước đây khi hệ thống luôn chia làm 2 nhóm rõ rệt: ông lớn dư thừa vốn và các ngân hàng nhỏ luôn thiếu”, ông Thành nói.


Không chỉ vì lãi suất thấp và dư vốn nhiều, ngân hàng không mấy mặn vì các quy định đã siết chặt hơn trước. Thông tư 21 về hoạt động trên thị trường này yêu cầu, các khoản cho vay, gửi trên 3 tháng, ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro như những món thông thường. Còn với những ngân hàng nhỏ – khách hàng của các ông nhà giàu dư tiền, họ chỉ được đi vay nếu không có khoản nào trên thị trường 2 quá hạn trên 10 ngày… Những điều này vô hình trung đã làm giảm tương đối tính hấp dẫn của hoạt động cho vay.


Tỷ trọng tiền gửi, cho vay trên liên ngân hàng giảm trong cơ cấu tổng tài sản là một tín hiệu tốt cho thấy thanh khoản của hệ thống dồi dào, tình trạng vốn ảo cũng giảm bớt. Tuy nhiên, nhìn nhận dưới góc độ của người làm ngân hàng, chuyên gia Lê Trung Thành lo ngại tính sinh lời của hệ thống đang rất thấp. “Thử nhìn lại năm 2013, bao nhiêu ngân hàng chia cổ tức cho cổ đông? Thực lòng nếu làm ngân hàng, tôi cũng không cho vay trong bối cảnh này”, ông Thành nói.


Thêm vào đó, một chuyên gia tài chính ngân hàng khác cũng cho rằng đây chưa hẳn là một tin vui. “Đây còn là dấu hiệu cho thấy tình trạng ứ vốn ở các ngân hàng đang quá nghiêm trọng. Ngân hàng từ nhỏ đến lớn đều đang thừa tiền trong khi doanh nghiệp thì vẫn khát vốn”, vị này nói.


Thanh Thanh Lan


vnexpress




Ngân hàng giảm vay mượn, gửi tiền nhau

Kỳ vọng gì vào cổ tức ngân hàng 2014?


Kỳ vọng gì vào cổ tức ngân hàng 2014?


Với tổng số tiền dự kiến trả cổ tức cho năm 2014 là khoảng 15,780 tỷ đồng, nhà đầu tư có thể kỳ vọng gì vào cổ tức của các nhà băng?


Năm 2013 khép lại cùng với những “hỉ nộ ái ố” của nhà đầu tư, có nơi vui vì cổ tức chấp nhận được trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng cũng có những ngân hàng khiến nhà đầu tư bức xúc, buồn bực vì không nhận được đồng cổ tức nào hay vì cổ tức quá thấp. Liệu trong năm 2014, nhà đầu tư có thể kỳ vọng gì vào tỷ lệ cổ tức của các nhà băng khi hầu hết đều đặt kế hoạch lợi nhuận cao hơn so với năm trước.


Sacombank (HOSE: STB) vẫn đang là nhà băng có tỷ lệ trả cổ tức cao nhất trong hệ thống các ngân hàng. Năm 2013, STB trả cho cổ đông 16% cổ tức (8% bằng tiền mặt và 8% bằng cổ phiếu). Với kế hoạch lợi nhuận trước thuế 3,000 tỷ đồng, ĐHĐCĐ thường niên của STB đã thông qua việc trả cổ tức năm 2014 với tỷ lệ từ 10-12%, nếu tính bằng tiền, số tiền STB sẽ phải chi ra gần 1,350 tỷ đồng (STB dự kiến tăng vốn lên 13,482 tỷ đồng trong năm 2014).






Kế hoạch kinh doanh và cổ tức 2014 của một số ngân hàng

ĐVT: tỷ đồng


Nhiều “ông lớn” ngân hàng có tỷ lệ trả cổ tức từ 8-10% trong năm 2014. Trong đó, ĐHĐCĐ thường niên của Vietinbank (HOSE: CTG) đã thông qua việc giữ nguyên tỷ lệ trả cổ tức như năm trước là 10%; BIDV (HOSE: BID) cũng trả cổ tức tương đương năm trước với tỷ lệ 8-9%, năm 2013 BIDV trả 8.5% cổ tức (2.1% bằng tiền mặt và 6.4% bằng cổ phiếu). Còn Vietcombank (HOSE: VCB) cũng thống nhất giảm cổ tức 2014 xuống 10% so với mức 12% của năm 2013. Như vậy, số tiền trả cổ tức các ngân hàng này dự chi đều trên 2,000 tỷ, trong đó Vietinbank lên đến 3,700 tỷ đồng. Lợi nhuận kế hoạch của các “ông lớn” từ 5,500–7,280 tỷ đồng.


Ngân hàng Quân đội (HOSE: MBB) và Eximbank (HOSE: EIB) cũng dự chi hàng ngàn tỷ đồng để trả cổ tức năm 2014. Trong đó, MBB đã quyết định tỷ lệ trả cổ tức 10%, giảm so với mức 11% của năm 2013, Ngân hàng cho biết sẽ chi trả cổ tức cho cổ đông hằng năm cao hơn mức lãi suất huy động tiền gửi bình quân khoảng 30%.


Các ngân hàng lớn đều dành từ 42-51% lợi nhuận trước thuế để chi trả cổ tức, riêng tại BIDV tỷ lệ này thấp hơn ở mức 37%, với kế hoạch lợi nhuận 6,000 tỷ đồng BIDV sẽ trích khoảng 2,250 tỷ đồng chi trả cổ tức cho năm 2014.





Nguồn: Internet


Trong khi nhiều ngân hàng lớn dự kiến giảm hoặc giữ cổ tức tương đương so với năm trước thì nhiều nhà băng có quy mô vốn nhỏ hơn lại tăng cổ tức cho cổ đông, đồng thời phần cổ tức dự kiến chi trả cũng chiếm trên dưới 60% lợi nhuận trước thuế của ngân hàng. Điển hình LienVietPostBank (LPB) nâng cổ tức từ 8% lên 10%, tương đương 665 tỷ đồng. Tương tự, Ngân hàng Kiên Long (KienLongBank) cũng trả cổ tức 2014 từ 9-10%. Trong năm 2013, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (HNX: SHB) trả cổ tức 7.5% bằng tiền mặt và đã thông qua việc tăng cổ tức lên 9% trong năm 2014, tương đương khoản tiền gần 1,000 tỷ đồng.


Tuy nhiên, có không ít nhà băng đạt kế hoạch cổ tức còn thấp hơn lãi suất tiền gửi tại ngân hàng như VietCapitalBank, MDB, Saigonbank. Hay Southernbank (PNB) đã thông qua kế hoạch chi trả 5% có đủ hấp dẫn nhà đầu tư không khi năm trước đại hội nhất trí chi trả 8% nhưng kết quả lại không được nhận một đồng nào cho năm 2013 vì kết quả kinh doanh năm 2013 quá thấp, lợi nhuận để lại chỉ đủ chia tỷ lệ 0.05%.


Riêng một số ngân hàng như Ngân hàng Sài Gòn (SCB) và Maritimebank (MSB) đều không trả cổ tức cho cả năm 2013 và 2014. SCB sau khi hợp nhất vẫn đang trong lộ trình hoàn tất tái cơ cấu, lợi nhuận thấp nên sẽ không chia cổ tức trong những năm thực hiện tái cơ cấu này. Còn Maritimebank, mặc dù lãi trước thuế năm 2013 đạt hơn 410 tỷ đồng nhưng vẫn không trả cổ tức cho cổ đông. Đến năm 2014, ĐHĐCĐ thường niên của Maritimebank đã thông qua chủ trương sáp nhập với Ngân hàng MêKông (MDB) với lãi dự kiến giảm mạnh xuống 265 tỷ đồng.


Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2014 nhưng cũng không nhắc đến tỷ lệ chi trả cổ tức.


Minh Hằng


công lý




Kỳ vọng gì vào cổ tức ngân hàng 2014?