Thứ Hai, 19 tháng 5, 2014

Vẫn thu phí cà thẻ


Vẫn thu phí cà thẻ


Dù Ngân hàng (NH) Nhà nước cấm các đơn vị chấp nhận thẻ thu các phí liên quan đến việc chấp nhận thẻ dưới bất kỳ hình thức nào, đồng thời quy định phạt từ 30-50 triệu đồng đối với các trường hợp vi phạm, nhưng việc thu phí khi cà thẻ diễn ra phổ biến.


Các NH thừa nhận có nghe khách hàng phản ảnh về chuyện bị thu phí khi cà thẻ, nhưng do số lượng điểm chấp nhận thẻ lớn nên NH không đủ nhân lực cũng như chi phí đi khảo sát.



Cứ cà thẻ là thu phí




Bà LORIJON BACCHI (giám đốc khu vực Đông Dương, Tập đoàn Visa):


Đây là hành vi bị cấm


Chúng tôi biết người tiêu dùng VN vẫn bị các cửa hàng chấp nhận thanh toán bằng thẻ thu một mức phụ phí và khẳng định không đặt ra mức phụ phí đó. Tuy nhiên, NH Nhà nước đã quy định việc thu phí cà thẻ của người tiêu dùng khi thanh toán là hành vị bị cấm. Người tiêu dùng không có lý do gì phải trả thêm phí cho cửa hàng, đại lý vé máy bay hay bất cứ nơi nào khác vì họ đã trả phí cho NH phát hành thẻ rồi. Quy tắc của chúng tôi là thiết lập một hệ thống mà bốn bên liên quan đến nhau (NH phát hành thẻ, cửa hàng, NH đặt máy POS và người tiêu dùng) đều có được lợi nhuận mà người tiêu dùng không phải trả thêm bất cứ một khoản phí nào nữa khi dùng thẻ thanh toán.


Ba năm trước số lượng các cửa hàng nhận thanh toán thẻ vẫn thu phí tại VN rất nhiều. Visa, các NH đã lập một đội tìm kiếm các cửa hàng đang áp dụng thu phí thêm cố giải thích cho họ hiểu để không thu phí hoặc chúng tôi sẽ rút đi. Tôi không thể công bố con số chính thức nhưng đã có rất nhiều cửa hàng, công ty, đại lý vé máy bay… đã bị chúng tôi rút khỏi danh sách có chấp nhận thanh toán thẻ vì áp dụng mức phí này với người tiêu dùng.


Lê Nam


Chiều 16-5, sau khi dạo một vòng quanh các cửa hàng bán máy ảnh, đồ điện tử tại thương xá Tax (Q.1, TP.HCM), chúng tôi ghé vào cửa hàng TL (tầng trệt thương xá Tax) để hỏi mua chiếc máy ảnh Nikon D3100. Nhân viên tại đây cho biết nếu thanh toán bằng tiền mặt thì giá chiếc máy ảnh trên khoảng 9,2 triệu đồng nhưng nếu cà thẻ thì cộng thêm phí 2%. Theo các nhân viên, có hai máy cà thẻ của Agribank và Vietcombank được đặt tại đây và đều tính phí 2%. Khi chúng tôi thắc mắc về việc thu phí là không đúng, một nhân viên giải thích: “Vì NH “chạc” phí của tụi em, nên tụi em buộc phải tính thôi”.


Trước đó chiều 15-5, anh Minh Dũng (đường Lê Văn Sỹ, Q.3, TP.HCM) đến cửa hàng BL (đường Lê Văn Sỹ, Q.Tân Bình) để tìm mua điện thoại. Sau một hồi xem xét, anh Dũng quyết định mua chiếc iPhone 5S với giá khoảng 14,5 triệu đồng. Tuy nhiên, khi biết anh Dũng thanh toán bằng thẻ, nhân viên bán hàng cho biết phải trả phí từ 3% tổng giá trị sản phẩm. Khi anh Dũng thắc mắc, nhân viên bán hàng giải thích rằng quy định của NH là thu phí như vậy, nên cửa hàng phải chấp hành chứ cũng không muốn thu phí của khách. Với mức phí 3%, anh Dũng phải chi thêm khoảng 430.000 đồng nữa để mua chiếc điện thoại mình ưng ý. “Tính ra chiếc điện thoại đã đội lên tới gần 15 triệu đồng” – anh Dũng phàn nàn.


Tương tự, cửa hàng H (đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.10) bán các thiết bị điện tử tính phí cà thẻ với một số mặt hàng. Theo nhân viên bán hàng tại đây, iPad Air và iPad Mini hàng xách tay sẽ bị tính phí 2% khi thanh toán bằng thẻ. Chiếc iPad Air 16Gb giá xách tay được niêm yết 12,7 triệu đồng, nhưng nếu thanh toán bằng thẻ thì ngấp nghé 13 triệu đồng.


Cửa hàng QS (đường Nguyễn Trọng Tuyển, Q.Phú Nhuận) cũng thu phí khi khách hàng thanh toán bằng thẻ. Anh Minh Tân (đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình) cho biết vừa qua đã mua đôi giày tennis thanh toán bằng thẻ và phải trả thêm hơn 200.000 đồng so với thanh toán bằng tiền mặt. Theo chủ cửa hàng này, trước đây có hai NH đặt máy cà thẻ (POS) tại đây nhưng hiện nay chỉ còn NH Phương Nam duy trì máy tại cửa hàng này. Mức phí thu của khách hàng thanh toán bằng thẻ từ trước đến nay vẫn là 2%. “Không có thay đổi gì, tụi chị cũng không muốn thu phí cà thẻ của khách, nhưng NH cứ chặt thẳng vào tài khoản nên buộc phải thu thêm” – chủ cửa hàng giải thích.


Một số đại lý chấp nhận thẻ nói rằng họ thu phí cà thẻ của khách hàng là do mức phí NH quá cao. Nếu NH giảm phí sẽ không còn hiện tượng các cửa hàng thu phí cà thẻ của khách hàng nữa. Có cửa hàng nói lợi nhuận định mức từ 1-3%/tổng doanh số, nếu khách hàng trả bằng thẻ mà bắt cửa hàng chịu phí thì coi như bán lỗ.


Thu phí sẽ bị cắt hợp đồng


Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Đức Thọ – tổng giám đốc VietinBank – nói quy định của NH Nhà nước đưa ra thì các điểm chấp nhận thẻ phải tuân thủ. Nếu VietinBank phát hiện cửa hàng nào mà NH đặt máy POS thu phí khách hàng thanh toán bằng thẻ, NH sẽ cắt hợp đồng và rút máy về. “NH đặt máy POS tại các cửa hàng, giúp cửa hàng tăng thêm tiện ích để thu hút khách hàng thì cửa hàng phải trả phí cho NH. Mức phí cũng bao gồm những rủi ro khác nếu thanh toán bằng tiền mặt phải chịu như tiền giả, công kiểm đếm, chi phí quản lý tiền mặt… Mức phí này NH thu trên doanh số thanh toán của cửa hàng và cửa hàng không được thu của khách hàng” – ông Thọ nói. Ông Thọ cũng đề nghị chủ thẻ khi thanh toán tại các cửa hàng có đặt máy POS của VietinBank, nếu bị thu phí thì phản ảnh về cho NH để nơi này có biện pháp xử phạt cửa hàng.


Ông Từ Tiến Phát, giám đốc khối khách hàng cá nhân ACB, cho biết tới đây NH sẽ thông báo bằng văn bản đến các đơn vị chấp nhận thẻ để phổ biến về quy chế mà NH Nhà nước mới ban hành, trong đó có mức phạt từ 30-50 triệu đồng đối với các cửa hàng thu phí khách hàng thanh toán bằng thẻ. Liên quan đến việc một số điểm chấp nhận thẻ cho rằng mức phí NH thu của điểm chấp nhận thẻ cao nên họ buộc phải thu của khách hàng, ông Phát cho biết mức thu phổ biến của NH hiện là 2% trên doanh số, với một số điểm mức thu thấp hơn, dao động từ 1,6-1,8%, tùy đối tác. Theo ông Phát, đây là mức rất thấp rồi nên họ khó lòng giảm nữa.


Một đại diện Vietcombank TP.HCM cho biết trước đây các NH đã hợp tác với nhau đồng loạt gửi công văn cho các đại lý chấp nhận thẻ đề nghị không được thu phí khách hàng, trong các hợp đồng ký với đại lý chấp nhận thẻ có các điều khoản cấm thu phí. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng không muốn phải trả phí cho NH nên đã thu của khách hàng. “Nếu bị phát hiện thu phí lần 1, NH sẽ nhắc nhở. Nếu vẫn tái phạm, NH sẽ thu máy về, đồng thời thông báo cho tổ chức thẻ Visa để nơi này liệt tên các cửa hàng trên vào danh sách “đen” và yêu cầu các NH khác không lắp máy tại đây” – vị này cho biết.


Lãnh đạo một NH cổ phần nói việc NH thu phí điểm chấp nhận thẻ là bắt buộc và theo thông lệ quốc tế. Với mức thu phổ biến 2% thì chỉ có những cửa hàng bán vàng miếng hoặc đại lý vé máy bay mới không đủ lời chứ nhiều dịch vụ khác mức lãi lên đến 10%. “Các NH cung cấp dịch vụ thì phải thu phí. Mức phí này NH cũng không hưởng hết mà phải trả cho NH phát hành thẻ, tổ chức thẻ và chi phí cho NH” – vị này cho biết.


Ánh Hồng – Dũng Tuấn


Tuổi trẻ




Vẫn thu phí cà thẻ

Tăng trưởng tín dụng: Phải chờ “các dòng sông cùng chảy”?


Tăng trưởng tín dụng: Phải chờ “các dòng sông cùng chảy”?


Trong phần nội dung về tín dụng tại hội thảo phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao sáng nay (15/5), lãnh đạo vụ chức năng của Ngân hàng Nhà nước một lần nữa lý giải về thực tế tăng trưởng tín dụng chưa như kỳ vọng.



Trong tham luận, ông Phạm Xuân Hòe, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), cho rằng, mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng đã có sự cải thiện dần (8,9% năm 2012, trên 12% năm 2013) nhưng vẫn được đánh giá là thấp chưa đạt như kỳ vọng, dòng tín dụng chưa thực sự thông suốt.


Và ông Hòa phân tích các nguyên nhân khá cụ thể.


Thứ nhất, nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, cơ cấu kinh tế chuyển biến chậm, sức cạnh tranh của nền kinh tế vẫn ở, năng lực hấp thụ vốn suy giảm. Tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2012-2015 chủ yếu xuất phát từ khu vực đối ngoại (xuất khẩu và FDI) trong khi khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn khó khăn, năng suất thấp.


Nhìn cụ thể hơn vào khu vực khách hàng cho thấy, các “ông lớn” doanh nghiệp nhà nước đang trong quá trình loay hoay tái cơ cấu, cổ phần hóa; hai ngành ngốn khá nhiều vốn vay là sản xuất thép và xi măng điều chỉnh giảm công suất và sản lượng do cầu trong nước giảm thì cơ hội tăng tín dụng chưa nhiều.


Khối doanh nghiệp tư nhân thì đã có sự ra đi của hơn 60 nghìn doanh nghiệp do khó khăn hoặc cách thức làm ăn thiếu hợp lý. Ông Hòe đánh giá, hiện doanh nghiệp khối này đang co cụm, chống đỡ khó khăn như phải thuê văn phòng chung, nợ xấu vẫn đang tồn tại nên đương nhiên điều kiện để vay vốn càng suy giảm hơn, cơ hội tăng tín dụng vào nhóm khách hàng này rất khó.


Còn lại, khối doanh nghiệp nước ngoài (FDI) được xem là khả dĩ nhất, làm ăn có hiệu quả, nhưng họ lại chủ động về vốn từ công ty mẹ ở nước ngoài hoặc vay chủ yếu ngoại tệ ngân hàng ở nước ngoài.


Con đường an toàn là vốn đang dư thừa lại được đưa vào trái phiếu Chính phủ. Số dư trái phiếu Chính phủ và chính quyền địa phương đã không ngừng tăng lên trong thời gian qua, riêng từ đầu năm đến nay tiền của các tổ chức tín dụng đổ vào trái phiếu đã lên đến gần 60 nghìn tỷ đồng.


Thứ hai, cơ hội kinh doanh để tạo ra dòng tiền lớn hơn khi vay vốn tín dụng của doanh nghiệp và hộ dân đều suy giảm. Ở đây, câu trả lời tập trung nhất là bí đầu ra cho sản phẩm.


Theo báo cáo thường niên doanh nghiệp năm 2013 mà VCCI vừa công bố, đa số doanh nghiệp cho rằng mối lo lớn nhất là tìm đầu ra cho sản phẩm, nhất là khi năng lực tiếp cận thị trường vẫn còn ở mức độ thấp.


Trong khi đó, thị trường bất động sản thanh khoản kém trong khi phần lớn tài sản thế chấp các khoản vay có nguồn gốc bất động sản. Do đó, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nhưng không đủ điều kiện bởi tình hình tài chính yếu kém, không chứng minh được tính khả thi của dự án, báo cáo tài chính không rõ ràng, minh bạch; hầu hết tài sản đã được thế chấp để đảm bảo nghĩa vụ cho các khoản vay cũ và đến nay chưa trả được nợ, nên không còn tài sản để đảm bảo cho các khoản vay mới, nhiều doanh nghiệp không trả được nợ do nguyên nhân nợ đọng từ ngân sách.


Thứ ba, giải quyết nợ xấu đã đạt được kết quả bước đầu, nhưng theo góc nhìn của Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, nếu tính toán cẩn trọng bao gồm cả khoản dư nợ được cơ cấu lại theo Quyết định 780 thì vẫn ở khoảng 9%.


Theo Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, so với yêu cầu về tốc độ và thời gian cần nhanh hơn, quyết liệt hơn nhằm khơi thông dòng tín dụng thì đây cũng là một trong những nguyên nhân cần tập trung giải quyết.


Bên cạnh đó, ông Hòe cũng nêu trở ngại thời gian qua là bất cập trong quy định của pháp luật khi chưa thực sự bảo vệ quyền của các chủ nợ; các tổ chức tín dụng đang gặp nhiều khó khăn trong xử lý tài sản đảm bảo do quy định của pháp luật điều chỉnh có nhiều điểm chưa cụ thể, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan thi hành án và các cơ quan liên quan tại địa phương khiến các tổ chức tín dụng khó xử lý nợ xấu, hạn chế cho vay do lo ngại nợ xấu gia tăng.


Thứ tư, các tổ chức tín dụng đã tập trung hơn cho quản trị rủi ro tín dụng, có sự thận trọng hơn khi cho vay. Các vấn đề trách nhiệm hình sự, rủi ro đạo đức của một số khoản vay lớn ở các ngân hàng đã phần nào tác động đến tâm lý e ngại trong mở rộng cho vay, nhất là cho vay theo dòng tiền (cho vay tín chấp).


Với những nguyên nhân trên, một bài học mà ông Phạm Xuân Hòe đưa ra trong tham luận tại hội thảo là: Các dòng sông cùng chảy mới có thể giúp tín dụng tăng trưởng mạnh trở lại, cũng như bảo đảm chất lượng tín dụng.


Thời gian qua, mặt bằng lãi suất đã từng bước về mức thấp, nhưng tổng cầu không tăng, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, nhất là cổ phần hóa còn ì ạch, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hay việc quy hoạch cánh đồng mẫu lớn, liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất của người nông dân tăng hiệu quả sản xuất vẫn chỉ ở nước thai nghén…


“Nói cách khác, ngành ngân hàng không tự mình tạo ra dòng chảy tín dụng mà ở đó đang rất cần các bộ ngành, cấp ủy chính quyền địa phương cùng quyết liệt để các dòng sông đều chảy”, ông Phạm Xuân Hòe kết luận.


Hoàng Vũ


vneconomy




Tăng trưởng tín dụng: Phải chờ “các dòng sông cùng chảy”?

Phó Tổng Giám đốc Vietinbank giữ chức Chánh Văn phòng NHNN


Phó Tổng Giám đốc Vietinbank giữ chức Chánh Văn phòng NHNN


Ngày 15/5/2014, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức công bố Quyết định của Thống đốc NHNN về việc bổ nhiệm Chánh Văn phòng NHNN.



Theo đó, ngày 14/5/2014, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Quyết định số 918/QĐ-NHNN về việc điều động và bổ nhiệm ông Lê Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Vietinbank (CTG) giữ chức Chánh Văn phòng NHNN.


Tại buổi công bố Quyết định, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, công tác Văn phòng có vai trò và vị trí hết sức quan trọng trong việc góp phần hiệu quả, tích cực cho hoạt động chỉ đạo, điều hành của NHNN. Thống đốc Nguyễn Văn Bình chúc mừng đồng chí Lê Thanh Tùng được điều động và bổ nhiệm giữ chức Chánh Văn phòng NHNN. Đồng thời, Thống đốc cũng bày tỏ mong muốn và tin tưởng rằng, trên cương vị công tác mới, ông Lê Thanh Tùng sẽ phát huy trí tuệ, năng lực bản thân hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, cùng với tập thể cán bộ Văn phòng đoàn kết, sáng tạo, đạt được nhiều thành tựu trong thời gian tới.


Minh Hằng


công lý




Phó Tổng Giám đốc Vietinbank giữ chức Chánh Văn phòng NHNN

PVcomBank: Cho vay giảm, nợ xấu tăng, thu nhập lãi thuần quý 1 âm 56 tỷ


PVcomBank: Cho vay giảm, nợ xấu tăng, thu nhập lãi thuần quý 1 âm 56 tỷ


Thu nhập lãi thuần hợp nhất trong quý 1/2014 của Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) báo âm 56.4 tỷ đồng. Cho vay của ngân hàng giảm 8% so với đầu năm và nợ xấu chiếm 5.37%.


Bên cạnh đó, hoạt động mua bán chứng khoán của ngân hàng cũng lỗ hơn 37 tỷ đồng trong quý 1/2014. Tuy nhiên, nhờ khoản lãi từ hoạt động khác hơn 322 tỷ đồng giúp PVcomBank có lợi nhuận trong trong kỳ.


Sau khi trừ chi phí hoạt động của PVcomBank 258 tỷ đồng, lợi nhuận thuần từ kinh doanh của ngân hàng chỉ vỏn vẹn 777 triệu đồng. Nhờ khoản hoàn nhập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng hơn 38 tỷ đồng giúp PVcomBank đạt lợi nhuận trước thuế 39 tỷ đồng, tương đương 30% kế hoạch năm (129 tỷ đồng). Lãi ròng thuộc về cổ đông ngân hàng mẹ của ngân hàng đạt 34.6 tỷ đồng trong quý 1/2014.


Tính đến cuối quý 1/2014, huy động khách hàng của PVcomBank tăng 8% lên 52,850 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho vay của ngân hàng lại giảm 8% xuống mức 37,634 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 5.08% lên 5.37%.


Tổng tài sản của ngân hàng cũng giảm 5% (gần 5,000 tỷ đồng) so với đầu năm xuống mức 96,161 tỷ đồng.



Đan Thanh


công lý




PVcomBank: Cho vay giảm, nợ xấu tăng, thu nhập lãi thuần quý 1 âm 56 tỷ

Techcombank: Quý 1 lãi trước thuế 673 tỷ, tăng 69% so cùng kỳ


Techcombank: Quý 1 lãi trước thuế 673 tỷ, tăng 69% so cùng kỳ


Trong quý 1/2014, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đạt 673 tỷ đồng, tăng 69.4% so với cùng kỳ 2013.


Thu nhập từ hoạt động dịch vụ đạt 435 tỷ đồng, tăng so với số cùng kỳ năm ngoái là 122 tỷ đồng.


Huy động tiền gửi tăng 3.4% so với thời điểm cuối năm 2013. Tín dụng từ cho vay khách hàng duy trì ở mức 2.3%. Theo đó, tỷ lệ cho vay/ tiền gửi ở mức 57.9%.


Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) là 13.2% tính đến ngày 31/3/2014, cao hơn so với mức 9% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.


Thanh Nụ


Công lý




Techcombank: Quý 1 lãi trước thuế 673 tỷ, tăng 69% so cùng kỳ

Eximbank: Lãi trước thuế quý 1 gần 445 tỷ đồng, huy động và cho vay đều giảm


Eximbank: Lãi trước thuế quý 1 gần 445 tỷ đồng, huy động và cho vay đều giảm


Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu VN – Eximbank (HOSE: EIB) công bố lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý 1/2014 đạt gần 445 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Các chỉ tiêu huy động và cho vay đều giảm so với đầu năm.


Thu nhập lãi thuần trong kỳ của Eximbank đạt 836 tỷ đồng, tăng 3% so với quý 1/2013. Hoạt động kinh doanh ngoại hối có lãi 38 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ gần 2 tỷ đồng.


Chi phí hoạt động của ngân hàng ở mức 463 tỷ đồng, tăng 6% so với quý 1/2013. Chi phí dự phòng rủi ro của Eximbank là 50 tỷ đồng.


Với những yếu tố trên, kết quả lợi nhuận trước thuế quý 1/2014 của ngân hàng đạt 445 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước và tương đương 25% kế hoạch năm. Lãi sau thuế cũng tăng 19% và đạt 346 tỷ đồng.


Tuy nhiên các chỉ tiêu huy động và cho vay khách hàng của Eximbank đều giảm lần lượt 5% và 2% so với đầu năm và đạt mức 75,346 tỷ và 81,619 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1.98% lên 2.38%, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng 16% lên mức 1,246 tỷ đồng.



Đan Thanh


công lý




Eximbank: Lãi trước thuế quý 1 gần 445 tỷ đồng, huy động và cho vay đều giảm

Vietinbank: Lãi trước thuế quý 1 tăng 6% lên gần 1,460 tỷ đồng


Vietinbank: Lãi trước thuế quý 1 tăng 6% lên gần 1,460 tỷ đồng


Trong quý 1/2014, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Vietinbank (HOSE: CTG) đạt 1,458 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.






ĐVT: tỷ đồng


Thu nhập lãi thuần trong kỳ của Vietinbank đạt 4,224 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối đều tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước và đạt lần lượt 393 tỷ và 123 tỷ đồng.


Trong khi đó, ngân hàng cũng đã nỗ lực giảm chi phí hoạt động 2% so với quý 1/2013 và ở mức 2,505 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng giảm gần 9% xuống 2,483 tỷ đồng.


Các nhân tố này giúp lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Vietinbank (HOSE: CTG) đạt 1,458 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước và tương đương 20% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế của ngân hàng cũng tăng trưởng 9% và đạt 1,140 tỷ đồng.


Tính đến 31/03/2014, huy động và cho vay khách hàng của Vietinbank ở mức 354,302 tỷ và 354,223 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 1.78%.



Minh Hằng


công lý




Vietinbank: Lãi trước thuế quý 1 tăng 6% lên gần 1,460 tỷ đồng